Là một người thuộc nhóm tính cách INFP (Người hòa giải), bạn thường cảm nhận mọi thứ một cách sâu sắc – không chỉ cảm xúc của riêng bạn mà còn của người khác. Lời mời dự tiệc mà bạn đang ngán ngẩm? Bạn đã có thể hình dung ra gương mặt thất vọng của bạn mình nếu bạn từ chối. Ý kiến đầy tâm huyết mà bạn đang giữ lại? Nó như đang bùng cháy trong lòng, nhưng ý nghĩ rằng mình có thể gây ra sự căng thẳng khiến bạn im lặng.
Sự thấu cảm chính là siêu năng lực cũng như điểm yếu của bạn. Nó giúp bạn cực kỳ nhạy bén với cảm xúc của người khác, đôi khi phải đánh đổi bằng nhu cầu của chính mình. Những mong muốn và nhu cầu cá nhân của bạn thường xuyên bị lấn át bởi hàng loạt cái gật đầu đồng ý trong khi sâu thẳm bạn lại chỉ muốn nói “không”. Nếu bạn thấy điều này quen thuộc, rất có thể bạn thường xuyên rơi vào vòng xoáy kiệt sức của việc làm hài lòng người khác – đặt nhu cầu của họ lên trên nhu cầu của chính mình.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vì sao INFP thường dễ rơi vào tình trạng làm hài lòng người khác, cách bạn có thể ngừng hy sinh bản thân và vì sao việc thay đổi điều đó lại quan trọng đến thế.
Bài viết này về INFP và hành vi làm hài lòng người khác là một phần trong chuỗi phân tích chuyên sâu. Khám phá thêm trong bài viết toàn diện “Làm hài lòng người khác và tính cách: Khám phá lý do chúng ta ưu tiên nhu cầu của người khác.”
Phân tích xu hướng làm hài lòng người khác ở tính cách INFP
Chính sự kết hợp độc đáo giữa các đặc điểm tính cách của INFP đã khiến họ thường xuyên có hành vi làm hài lòng người khác trong các mối quan hệ xã hội.
Như đã đề cập, sự thấu cảm sâu sắc chính là trọng tâm trong con người bạn, và điều đó thường khiến bạn cảm nhận cảm xúc của người khác như thể là của chính mình. Sự thất vọng của họ trở thành nỗi thất vọng của bạn. Niềm vui của họ thắp sáng tâm hồn bạn. Sự cộng hưởng cảm xúc này tạo ra một phản xạ tự nhiên thôi thúc bạn bảo vệ cảm xúc của người khác, đôi khi trước cả nhu cầu của bản thân.
Điều này có thể lý giải tại sao 83% người thuộc nhóm INFP chia sẻ rằng họ thường đồng ý với những điều mình không muốn làm, chỉ vì sợ khiến người khác thất vọng, theo kết quả khảo sát “Làm hài lòng người khác” của chúng tôi.
Xu hướng này càng trở nên rõ rệt hơn mỗi khi INFP đứng trước nguy cơ xung đột. Chỉ cần nghĩ đến việc có thể xảy ra đối đầu cũng đủ khiến trong đầu bạn xuất hiện hàng loạt kịch bản tồi tệ nhất. Để tránh viễn cảnh đó trở thành sự thật, bạn có thể lựa chọn im lặng và thuận theo ý người khác.
Xu hướng này được thể hiện rõ rệt trong nghiên cứu của chúng tôi. Có đến 88% người thuộc nhóm INFP cho biết họ thường xuyên che giấu cảm xúc thật chỉ để tránh làm người khác buồn – tỷ lệ cao nhất trong số 16 nhóm tính cách.
Số liệu này cho thấy rõ xu hướng của INFP khi họ có xu hướng ưu tiên sự dễ chịu của người khác hơn là thể hiện bản thân một cách chân thật. Có thể bạn cảm thấy an toàn hơn khi nén giữ những suy nghĩ và cảm xúc thật vào bên trong, để chúng tích tụ dần thành một bộ sưu tập những điều chưa từng được nói ra. Nhưng cái giá của việc đó là gì?
Dù tất cả người thuộc nhóm INFP đều gặp khó khăn với việc làm hài lòng người khác, thì những INFP thuộc nhóm Bồn chồn (INFP-T) lại càng khó thoát khỏi hành vi này hơn. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự chênh lệch đáng kể: 88% INFP thuộc nhóm Bồn chồn lo lắng rằng người khác nghĩ gì về họ, trong khi con số này ở INFP thuộc nhóm Quyết đoán (INFP-A) chỉ là 33%. Sự cách biệt này giúp lý giải vì sao những INFP Bồn chồn có xu hướng đặt nhu cầu của người khác lên trước nhiều hơn.
Đối với INFP Bồn chồn, nỗi sợ bị chối bỏ kết hợp với sự đồng cảm bẩm sinh tạo nên cơn bão hoàn hảo của các hành vi làm hài lòng. Sự thiếu tự tin khiến họ dễ hy sinh nhu cầu riêng để giữ gìn sự hòa thuận, trong khi xu hướng tự chỉ trích lại khiến họ cảm thấy tội lỗi mỗi khi mối quan hệ trở nên căng thẳng. Chính vì vậy, việc thoát khỏi mô hình này đặc biệt khó khăn với họ, vì mỗi nỗ lực thiết lập ranh giới đều giống như đang mạo hiểm đánh mất sự chấp nhận mà họ rất cần.
Làm thế nào để ngừng làm hài lòng người khác
Đôi khi việc ưu tiên người khác có thể mang lại những khoảnh khắc gắn kết và sẻ chia đẹp đẽ. Nhưng khi việc làm hài lòng trở thành phản xạ tự nhiên, thì điều thiết yếu bị lùi lại phía sau: sự an lành của chính bạn.
Thói quen làm hài lòng người khác một cách liên tục có thể dẫn đến kiệt sức, tổn thương mối quan hệ và đánh mất cảm giác về bản thân. Bạn có thể thấy mình duy trì tình bạn chỉ vì thói quen, đồng ý với những điều làm bạn mệt mỏi, hoặc xây dựng mối quan hệ dựa trên mong muốn của người khác hơn là sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau.
Đã đến lúc bạn giải thoát bản thân khỏi vòng xoáy làm hài lòng? Hãy cùng khám phá ba chiến lược cụ thể được thiết kế để giúp bạn – với tư cách là một INFP – ngừng đặt bản thân sau cùng.
Chiến lược #1: Tạo khoảng lặng để suy xét
Là người INFP, bạn vốn là người hay suy tư và nội tâm, nhưng đôi khi lại đồng ý với các yêu cầu trước khi kịp hiểu rõ cảm xúc của mình. Nhưng nếu bạn có thể tạm dừng phản xạ tự động đó thì sao? Nếu bạn có thể tạo khoảng lặng để lắng nghe tiếng nói nội tâm trước khi trả lời người khác thì sao?
Để hạn chế hành vi làm hài lòng, hãy bắt đầu bằng việc tạo ra khoảng thời gian giữa lời đề nghị và phản hồi. Khi ai đó nhờ vả, hãy thử một trong những câu trả lời nhẹ nhàng sau:
- “Để mình xem năng lượng hôm nay thế nào rồi trả lời cậu vào ngày mai nhé.”
- “Cảm ơn bạn đã nghĩ đến mình! Cho mình chút thời gian để suy nghĩ kỹ hơn.”
- “Mình có thể cho bạn biết vào [thời gian cụ thể] được không?”
Trong khoảng thời gian thêm đó, bạn hãy lắng nghe xem cảm xúc thật của mình với lời đề nghị đó ra sao, năng lượng bạn đang có thế nào và bạn thực sự có thể dành thời gian bao nhiêu.
Hầu hết mọi người sẽ tôn trọng nhu cầu cần thời gian để cân nhắc của bạn. Thực tế, họ có thể đánh giá cao sự chu đáo của bạn hơn là một lời đồng ý vội vã nhưng sau đó lại tham gia miễn cưỡng hoặc hủy hẹn.
Nếu ai đó phản ứng tiêu cực trước nhu cầu suy xét đó của bạn? Hãy để tâm đến phản ứng ấy. Một người không thể tôn trọng một yêu cầu đơn giản như vậy có thể không đặt lợi ích của bạn lên hàng đầu. Hãy nhớ rằng, một mối quan hệ lành mạnh cần có không gian cho cả nhu cầu lẫn mong muốn của đôi bên.
Chiến lược #2: Viết để tìm sự rõ ràng
Sau khi đã tạo khoảng lặng để cảm nhận cảm xúc, thử thách tiếp theo thường là tìm ra ngôn từ phù hợp để diễn đạt chúng.
Những ý nghĩ hoang mang và cảm xúc rối ren tưởng như không thể nói thành lời? Nếu bạn là INFP, có thể mọi thứ sẽ tuôn chảy dễ dàng hơn qua đầu ngón tay thay vì qua giọng nói. Trước khi có những cuộc trò chuyện quan trọng về nhu cầu hay ranh giới cá nhân, hãy thử viết chúng ra trước.
Mở nhật ký hoặc ứng dụng ghi chú, và để dòng suy nghĩ tuôn tràn lên trang giấy. Bạn có thể viết về lý do tại sao việc nói “không” lại khó khăn, về điều bạn thực sự muốn nói hay cách diễn đạt nhu cầu một cách nhẹ nhàng nhưng kiên định. Hành động đơn giản là viết ra có thể biến cảm xúc mơ hồ thành suy nghĩ rõ ràng, giúp việc chia sẻ dễ dàng hơn khi bạn đã sẵn sàng.
Chiến lược #3: Dùng sức mạnh tưởng tượng một cách tích cực
Khi phải thiết lập ranh giới hoặc thể hiện một nhu cầu nào đó, bạn có thể hình dung ra đủ kiểu hậu quả tiêu cực: tổn thương, rạn nứt mối quan hệ, những cuộc đối thoại khó xử – chỉ vài ví dụ điển hình. Nhưng nếu bạn có thể sử dụng trí tưởng tượng phong phú vốn là thế mạnh của INFP theo hướng tích cực hơn thì sao?
Thay vì để trí óc bị cuốn vào những kịch bản xấu nhất, hãy thử chuyển góc nhìn theo những cách sau:
- Hãy tưởng tượng một người bạn thân đang trải qua tình huống tương tự. Bạn sẽ khuyên họ điều gì?
- Hình dung một cuộc trò chuyện tích cực, nơi cả hai bên đều được lắng nghe và thấu hiểu.
- Nhớ lại một lần bạn đã trung thực và nhờ đó thắt chặt thêm mối quan hệ, và để trải nghiệm đó dẫn lối cho kỳ vọng của mình.
Trí tưởng tượng mạnh mẽ của bạn có thể trở thành đồng minh giúp bạn xây dựng sự tự tin, thay vì tiếp thêm nỗi lo sợ. Hãy để nó chỉ đường phía trước, thay vì kìm hãm bạn ở lại phía sau.
Khi áp dụng những chiến lược trên, hãy bắt đầu từ những bước nhỏ và dần dần tiến đến những tình huống thử thách hơn. Mỗi bước bạn thực hiện để tôn vinh nhu cầu cá nhân chính là một bước đi đúng hướng.
Lời kết
Hãy nhớ rằng, việc kiềm chế xu hướng làm hài lòng không có nghĩa là bạn mất đi tính cách nhân ái của mình. Điều đó có nghĩa là bạn biết tạo không gian để sự quan tâm và sự chân thật cùng tồn tại. Và khi bạn biết cách tôn trọng cả lòng thấu cảm lẫn ranh giới của mình, bạn sẽ mở ra cơ hội cho những kết nối sâu sắc và chân thành hơn – đúng như trái tim INFP của bạn luôn mong muốn.
Đọc thêm
- Khám phá thêm các bài viết khác trong loạt chủ đề về cách các nhóm tính cách khác nhau vượt qua việc làm hài lòng người khác.
- Cách tha thứ cho bản thân với tư cách là INFP: Từ chỉ trích đến yêu thương chính mình
- INFP (Người hòa giải) và tự phản tỉnh: Tìm kiếm sự hài hòa bên trong
- Tính cách INFP và ba chiều sâu của sự cô đơn
- Muốn hiểu rõ hơn về điều gì khiến bạn trở nên đặc biệt? Hãy nhận Báo cáo Cao cấp của bạn để khám phá thêm 12 đặc điểm ảnh hưởng quan trọng và tìm hiểu cách chúng hình thành tính cách INFP của bạn. Từ đó có được cái nhìn rõ ràng hơn về chính mình và cách bạn kết nối với người khác.