16 kiểu tính cách là những cấu trúc độc đáo, mỗi nhóm được xác định bởi các đặc điểm và xu hướng hành vi đi kèm. Dựa trên số liệu thống kê, việc phân loại tính cách cho phép mô tả và đánh giá con người một cách chính xác. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa phân loại tính cách – có thể rất hữu ích trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống – và khuôn mẫu định kiến, vốn có thể gây hại. Hiểu được sự khác biệt này là điều quan trọng để đảm bảo tính công bằng, chính xác và hữu dụng. Hãy cùng tìm hiểu cách phân loại tính cách khác biệt hoàn toàn so với những khuôn mẫu định kiến.
Khả năng xảy ra so với sự chắc chắn
Khuôn mẫu định kiến cho rằng một người luôn tuân theo một quy luật phổ quát nào đó. Ví dụ, có quan niệm rằng người Hướng nội không thích ra ngoài, thích ở một mình, ngại gặp gỡ người lạ, v.v. Những quan niệm này có thể ảnh hưởng đến các tình huống ngoài đời thực, chẳng hạn nếu một người Hướng nội bị gạt ra khỏi các hoạt động xã hội chỉ vì những giả định đó. “Sam là người Hướng nội mà người Hướng nội thì không thích đi chơi nên chúng ta không rủ Sam.”
Ngược lại, phân loại tính cách cho rằng tuy người Hướng nội nhìn chung có xu hướng ít hướng ngoại hơn người Hướng ngoại, nhưng điều đó chỉ mang tính tương đối. Phần lớn người Hướng nội đều có nhu cầu ra ngoài với bạn bè, gặp gỡ người mới, tham gia các buổi tụ tập, ở một mức độ nào đó. Họ có thể ít khi chấp nhận mọi lời mời xã hội như người Hướng ngoại, nhưng đôi khi họ vẫn tham gia – và thường rất trân trọng cơ hội đó.
Trong đời sống thực, bản chất của Hướng nội thường phức tạp hơn và đòi hỏi sự thấu hiểu cao hơn so với những khuôn mẫu đơn giản. Điều này cũng đúng với mọi đặc điểm và kiểu tính cách – các xu hướng đi kèm có thể mang tính phổ biến nhưng không hoàn toàn nhất quán từ người này sang người khác hay từ hoàn cảnh này sang hoàn cảnh khác. Khuôn mẫu định kiến thường vụng về và quá cực đoan nên không thật sự hữu ích.
Bản sắc so với nhận định từ bên ngoài
Một khía cạnh khác làm nổi bật sự khác biệt giữa khuôn mẫu định kiến và phân loại tính cách là nguồn gốc hình thành. Khuôn mẫu là một nhãn mác được áp đặt lên ai đó bởi người khác, và nó có thể phản ánh thành kiến của người đánh giá hơn là đặc điểm thực sự của người bị đánh giá. Khuôn mẫu mang tính giới hạn vì nó chỉ dựa vào những gì người quan sát nhìn thấy, mà không xét đến những điều ẩn sâu bên trong. Dù sự thành kiến có ít đi chăng nữa, thì kiểu đánh giá như vậy cũng rất dễ thiếu sót.
Ngược lại, phân loại tính cách dựa trên quá trình tự nhận thức và đánh giá khách quan những suy nghĩ, cảm xúc, giá trị và niềm tin nội tại, đồng thời cùng lúc đo lường những hành vi có thể được thể hiện ra bên ngoài. Kiểu tính cách của một người phản ánh đồng thời sự khám phá nội tâm và quá trình đánh giá – vì người đó có ý thức và chủ động tham gia trong định hình chính mình. Phân loại tính cách bao hàm những khía cạnh quan trọng như sự tự nhận thức và bản sắc, chứ không chỉ đơn thuần là cảm nhận từ bên ngoài.
Vì vậy, trong thực tế, việc đối xử với ai đó dựa trên khuôn mẫu chẳng khác nào đưa ra những phán đoán phiến diện từ bên ngoài. Về bản chất, đó là một tuyên bố mang tính áp đặt: “Chúng tôi nghĩ bạn là như thế này vì hình ảnh bạn trong mắt chúng tôi như vậy.” Nhưng nếu bạn tiếp cận ai đó từ góc nhìn của kiểu tính cách, thì đó giống như một cuộc đối thoại đôi bên, bao gồm cả phần nội tâm, chân thực mà chính người đó xác định về bản thân mình. Nó giống một cuộc trò chuyện hơn là lời tuyên bố một chiều.
Kết nối thay vì chia rẽ
Khuôn mẫu định kiến và phân loại tính cách thường được sử dụng theo cách rất khác nhau. Là những quan điểm đơn giản hóa thái quá và có xu hướng phản ánh thành kiến của con người, khuôn mẫu thường đem lại tác động tiêu cực. Chúng có thể làm giảm giá trị người khác hoặc bỏ qua con người thật của họ, chỉ vì không phản ánh một cách chính xác – và không tôn trọng – bản chất thực sự của họ. Khuôn mẫu làm gia tăng rào cản giữa con người với nhau và thường dẫn đến hiện tượng “othering.”
Nhưng vì phân loại tính cách sắc sảo hơn nhiều, mang tính chân thực hơn và bao gồm cả sự tự nhận diện của cá nhân, nên nó giúp con người hiểu nhau hơn. Nó mở rộng và nhân văn hóa cách chúng ta nhìn nhận lẫn nhau, góp phần tích cực cải thiện các mối quan hệ tương tác. Điều này có thể khuyến khích sự giao tiếp, tôn trọng và thấu cảm – khiến việc phân loại tính cách trở thành một công cụ hữu ích để gắn kết con người.
Thực tế, sự khác biệt giữa khuôn mẫu định kiến và kiểu tính cách có thể được xem là sự đối lập giữa niềm tin cảm tính và sự thật khách quan. Khuôn mẫu thường củng cố những nhận định sai lầm và sự thiếu hiểu biết, trong khi kiểu tính cách mang lại những hiểu biết chân thật. Khuôn mẫu có thể trở thành rào cản trong việc xây dựng sự hòa hợp, trong khi kiểu tính cách lại thường nhấn mạnh đến sự hòa hợp đó. Khuôn mẫu định kiến có thể nảy sinh từ những bản năng cơ bản dễ hiểu của con người, nhưng chúng không đại diện cho những giá trị tốt đẹp nhất của ta.
Hướng đi tiếp theo
- Đọc thêm thông tin về tất cả 16 kiểu tính cách, bao gồm cả kiểu của bạn.
- Khám phá những công cụ đánh giá chuyên sâu về kiểu tính cách của bạn.
- Xem bạn khác gì với những người cùng kiểu tính cách bằng cách tham gia các khảo sát của chúng tôi.
- Khám phá thêm các bài viết khác của chúng tôi.